Friday, 19/04/2024 - 23:19|
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin Điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo Tuy Phước
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên là nhân tố quan trọng

Trong việc dạy và học, ngoài chương trình khung, cơ sở vật chất, thì trình độ chuyên môn, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của giáo viên là điều quan trọng. Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp bắt đầu, giáo viên đã từng bước được cập nhật, bổ túc về chuyên môn, những thay đổi có tính kỹ thuật để có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu.

Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với khối lớp 1, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các bậc học. Từ khi bắt đầu triển khai, Bộ GD&ĐT đã phổ biến những thay đổi, mục đích, ý nghĩa của chương trình đến các địa phương. Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán để những người này về triển khai lại cho địa phương, trường học của mình.

Nhiều lớp, hình thức tập huấn

Mới đây, tổng chủ biên, chủ biên của NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn sử dụng bộ sách Cánh Diều cho cán bộ quản lý tiểu học, giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021. Tiếp đó, Sở GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế phối hợp tổ chức bồi dưỡng đại trà cho gần 2.000 cán bộ quản lý, giáo viên của Bình Định.

Lớp tập huấn giáo viên đại trà diễn ra vào ngày 21.7.


Có nhiều bộ sách nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới không gò ép giáo viên phải dạy một bộ sách giáo khoa, một bài giảng nào đó cố định. TS Thái Mạnh Thủy, thành viên đoàn bồi dưỡng của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, cho biết: Điểm then chốt là làm thế nào để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Và giáo viên phải là người hiểu rõ tinh thần bài giảng, bộ sách mình đã lựa chọn để truyền tải tốt nhất. Không có cách nào làm phụ huynh, xã hội tin tưởng tốt bằng việc nâng cao chất lượng dạy và học, học sinh ngày càng vui vẻ, tự tin hơn.Lớp bồi dưỡng giáo viên đại trà được thực hiện theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sau thời gian bồi dưỡng trực tuyến, mỗi giáo viên được bồi dưỡng trực tiếp một ngày để cùng nhau thảo luận, giải đáp thắc mắc. Mỗi địa phương trong tỉnh tạo thành một nhóm, cùng nhau thiết kế, phân chia thời lượng môn học, nội dung bài học trong tiết học, sau đó tổ chức trao đổi với các nhóm khác. Cô Đinh Thị Minh Phượng, giáo viên ở huyện Vân Canh, chia sẻ: Tham gia lớp bồi dưỡng không chỉ nắm được tinh thần, cách triển khai của bộ sách trường đã chọn mà còn được dịp biết về bộ sách các địa phương khác đã chọn. Tôi xem đấy là một dịp để học hỏi, tham khảo xây dựng bài giảng và các hoạt động trong tiết học tốt hơn.

Giáo viên sáng tạo, học sinh chủ động

Nói về tầm quan trọng của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Mọi người nghĩ sách giáo khoa là “pháp lệnh”, rất quan trọng, giáo viên cũng phải theo sát nội dung sách nên không sáng tạo được. Chất lượng giáo dục hiện có cải thiện nhưng vẫn bị khuôn mẫu, giáo điều. Nay, với tinh thần đổi mới, ta phải khơi dậy sức sáng tạo của giáo viên, tính chủ động của học sinh. Phần lớn giáo viên được đào tạo theo chương trình cũ, theo hướng tiếp cận kiến thức vì vậy khi chuyển sang chương trình mới không tránh khỏi băn khoăn và phụ huynh cũng vậy. Tuy nhiên, dù khó thì chúng ta cũng phải cố gắng. Thành bại của đổi mới là ở đội ngũ giáo viên. Do vậy, Bộ tăng cường 8 trường sư phạm trọng điểm đào tạo theo chuẩn giáo viên mới; xây dựng chuẩn nghề nghiệp của giáo viên; căn cứ vào chuẩn mới bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, đầu tiên là tập huấn cho cán bộ quản lý tiểu học, giáo viên dạy tiểu học để vào năm học mới các giáo viên đều được tập huấn, sẵn sàng triển khai tốt chương trình.

Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ giáo viên thay đổi, sáng tạo mà chính người quản lý cũng thế, tức là mỗi người đều nhìn thấy được trách nhiệm của mình. Không phải rập khuôn, máy móc và phải mạnh dạn hướng dẫn giáo viên thay đổi bài học, thiết kế chương trình sao cho phù hợp để học sinh được phát triển tốt nhất, tự tin nhất.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Xuân (huyện Tây Sơn), chia sẻ: Giáo viên của trường đều từng dạy lớp 1 và ai cũng từng tiếp cận phương pháp dạy học mới cho nên đã khá quen thuộc. Qua tập huấn, giáo viên được bồi dưỡng thêm một lần nữa. Bản thân tôi cũng vậy, ngoài việc đọc nhiều hơn để nắm vững tinh thần, cách thức triển khai chương trình, tôi cùng giáo viên thảo luận để lên tiết dạy, tổ chức các hoạt động cho phù hợp.

Bên cạnh chuyên môn, chương trình mới thực chất tăng tính sáng tạo, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên. Cô Ma Thị Thanh Vân, giáo viên Trường Tiểu học số 1 thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), cho hay: Sau khi tham gia nhiều đợt tập huấn, mới đây được Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế bồi dưỡng trực tiếp, chúng tôi không chỉ hiểu sâu hơn vấn đề, tinh thần của chương trình mà còn tiếp cận, thảo luận về bài giảng, tức là đi vào chi tiết hơn, rõ ràng hơn.   

THẢO KHUY (P.X tổng hợp theo Báo Bình Định)


Tác giả: P.X (tổng hợp)
Nguồn:http://www.baobinhdinh.com.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết